Với vai trò điều phối tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do Vietnambiz và Vietnammoi tổ chức ngày 27-9, TS Đinh Thế Hiển đặt câu hỏi tại sao thị trường chứng khoán vẫn lình xình, trong khi các chuyên gia, diễn đàn hô hào kinh tế tốt, nhiều cổ phiếu rẻ?
Là người đồng hành thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty CP FIDT - cho biết do đầu tư phụ thuộc vào kỳ vọng, nên thị trường chứng khoán thường phản ánh và đi trước nền kinh tế vĩ mô từ 1-3 quý. Chẳng hạn câu chuyện kinh tế tốt đã được phản ánh từ cuối năm 2021. Hai quý đầu năm nay thị trường chứng khoán sụt giảm, phản ánh trước tình hình kinh tế nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra. Chứng khoán hoạt động trên dòng tiền, tiền ít thì giá cổ phiếu không tăng cao được. Xét trong ngắn hạn thị trường biến động theo cung cầu. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy nhà đầu tư không nên ngạc nhiên với các diễn biến suy giảm trong ngắn hạn như hiện nay.
Cùng quan điểm, ông Đào Minh Châu - phó giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research - cho rằng thị trường chứng khoán được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn, song vẫn có những cổ phiếu có thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau.
Mặt khác trong cuộc khủng hoảng sẽ có những cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn 3-5 năm. Ví dụ giai đoạn năm 2012 suy thoái kinh tế, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt có định giá rất rẻ, từ đó đến nay cũng chính những doanh nghiệp này lại tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20 lần. Hoặc ngay trong đại dịch COVID-19 nhiều cổ phiếu rơi vùng giá thấp, những nhà đầu tư mua vào đúng lúc đã có được lợi nhuận.
Với vai trò quản lý cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết triển vọng vĩ mô vẫn là bức tranh xám màu, nên những khách hàng có khẩu vị rủi ro thấp sẽ ưu tiên gửi tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên, người có khẩu vị rủi ro cao hơn lại đặc biệt ưa thích giai đoạn này, vì có thể lựa chọn hàng tốt với giá giảm, "cơ hội đổi đời" nếu tìm đúng "long mạch".
Theo ông Tuấn, Việt Nam đang rất "khéo" trong điều hành chính sách, lợi thế là tỉ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, nằm mức 43% trong khi trần nợ công là 65%. Tỉ lệ này gần tương đương với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế đi qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011.
Bên cạnh đó, đầu tư công cũng là động lực chính cho kinh tế Việt Nam. Do duy trì một mức tăng trưởng GDP cao, với dự phóng tăng trưởng GDP 7% năm 2022, nên bức tranh trung hạn của thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn. Chưa kể dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam.
"2022 là năm đẹp về vĩ mô nhưng rất xấu về tiền tệ, sang năm 2023 vĩ mô bớt màu sáng nhưng tiền tệ sẽ tích cực hơn" - ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, chia sẻ tại tọa đàm.
Theo ông Báu, thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều vào dòng tiền. Dòng tiền cuối năm nay vẫn tiếp tục căng thẳng, song sang năm 2023 sẽ cải thiện tích cực hơn.
Về chiến lược đầu tư, ông Đào Minh Châu biết trong khi kinh tế vĩ mô khó khăn, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhóm cổ phiếu mang tính "phòng thủ", ít phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế như cổ phiếu ngành bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin...
Hay cổ phiếu của doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công và FDI, hưởng lợi khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hóa chất…), có câu chuyện kinh doanh riêng (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng - IPO, thoái vốn công ty con, kết quả kinh doanh phục hồi từ đáy), có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất...