Tại buổi hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng viết cho trẻ em không đơn giản. “Một tác phẩm đích thực viết cho trẻ em phải là một tác phẩm mà trẻ em đọc thích mà người lớn đọc cũng thích”, ông nói.
Theo TS Nguyễn Thụy Anh, chuyên gia giảng dạy về phương pháp giáo dục, thay vì phê phán văn hóa đọc chưa phát triển, chúng ta nên bàn luận để cùng tìm cách lan toả văn hóa đọc, đặc biệt là tìm cách khơi gợi tính chủ động từ độc giả trẻ.
Tranh minh họa tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Ảnh: NXB Kim Đồng.
Xu hướng văn học thiếu nhi ở châu Âu
GS.TS Bjorn Sundmark từ Đại học Malmo, Thụy Điển, tham dự hội thảo qua Zoom. Ông cho rằng nền văn học thiếu nhi Thụy Điển từ xưa đã xây dựng hình tượng những đứa trẻ láu cá, lém lỉnh. Chúng không nhất thiết phải luôn nghe lời người lớn, mà chính trong những tình huống hiểm nghèo, các nhân vật nhí thể hiện tinh thần tự chủ đáng ca ngợi.
Nhiều tác phẩm được xây dựng với motif răn đe trẻ em không nghe lời người lớn để bị đẩy vào tình huống nguy hiểm, nhưng chính trong những tình huống ấy, những đứa trẻ chứng minh được trí thông minh, khả năng xử lý của mình. “Thực tế, trẻ em có thể rất mạnh mẽ”, ông Sundmark phát biểu.
Những nhân vật nổi tiếng như Pippi Tất Dài không phải là một cá tính chuẩn mực mà người lớn muốn trẻ con hướng đến, nhưng nhân vật anh hùng lệch chuẩn như Pippi Tất Dài lại hiện hữu như một người bạn đồng hành, một người bạn tốt, đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ, cho chúng thấy chúng không cần “hoàn hảo” để trở thành một “anh hùng”.
Buổi hội thảo còn có sự tham dự (trực tuyến) của bà Georgina Segarra Ros từ Nhà xuất bản Gemser, Tây Ban Nha, bà Cinzia Grieco, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM kiêm Tổng lãnh sự Italy tại TP.HCM và bà Jana Mikota, GS.TS tại Đại học Siegen, Đức. Đại diện từ các quốc gia châu Âu chia sẻ xu hướng phát triển văn học thiếu nhi tại đất nước họ.
|
Bà Cinzia Grieco (trái), bà Georgina Segarra Ros (phải) là 2 trong số những đại diện nước ngoài tham gia hội thảo qua Zoom. Ảnh: M.H. |
Qua các bài phát biểu, khách dự hội thảo có thể rút ra xu hướng chung của văn học thiếu nhi tại châu Âu là khai thác các chủ đề mang tính thời sự như môi trường, đa dạng sắc tộc, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới…
GS.TS Jana Mikota cho biết nước Đức đã chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường từ năm 1970. Nhiều tác phẩm truyền tải ý nghĩa về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên được đẩy mạnh quảng bá nhằm tập trung lan truyền thông điệp đến thế hệ trẻ. Những người trẻ truyền cảm hứng như nhà hoạt động xã hội Greta Thunberg trở thành chủ đề của nhiều cuốn sách bán chạy.
Đặc biệt, một số quốc gia cho thấy sự quan tâm đến các hình thức sách mới lạ hơn như sách tranh, tiểu thuyết đồ họa.
Bằng cách tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với sách, với văn chương, gài cắm các chi tiết, nhân vật văn học vào đời sống thường ngày và sử dụng các chất liệu, các chủ đề thời sự để các sáng tác văn học trở nên hấp dẫn với trẻ em, từ đó các em sẽ hình thành sự tự chủ và chủ động chọn sách đọc.
Hướng phát triển cho văn học thiếu nhi ở Việt Nam
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định rằng ở Việt Nam, trẻ em luôn được quý trọng và chăm sóc chu đáo. “Hầu hết nhà văn chúng tôi đều viết cho các em. Có người chỉ viết cho chính con mình mà thành nhà văn nhà thơ xuất sắc, như nhà văn Duy Khán với tác phẩm Tuổi thơ im lặng, nhà thơ Xuân Quỳnh với tác phẩm Bầu trời trong quả trứng”.
Bà Nguyễn Thụy Anh cho rằng các tác giả viết văn học thiếu nhi Việt Nam có thể học hỏi và phá cách hơn, tưởng tượng nhiều hơn, để có nhiều nhân vật thú vị và đáng nhớ như trong văn học nước ngoài.
Trần Đăng Khoa cho biết Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ và mong muốn dòng văn học thiếu nhi phát triển mạnh hơn. Những hoạt động giúp thúc đẩy văn học thiếu nhi Việt Nam là giải thưởng Văn học Dế Mèn, kế hoạch thành lập Quỹ Văn học Thiếu Nhi, vận động sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi, thực hiện phát tặng sách miễn phí cho trẻ em vùng sâu vùng xa…
Theo bà Trần Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Thiếu nhi, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là sách dịch từ nước ngoài. Bà nhận thấy các nhân vật thiếu nhi nước ngoài thường có cá tính độc đáo, không theo hình mẫu con ngoan trò giỏi và có chủ đề câu chuyện sinh động, đa dạng. Đối với các sáng tác của Việt Nam, bà Trần Lê Thùy Linh cho rằng số lượng tác phẩm đặc sắc còn hạn chế, và thường chỉ là một câu chuyện hồi ức của người lớn chứ không phải là sáng tác hướng đến trẻ em.
Bà cho biết các tác phẩm phiêu lưu giả tưởng mặc dù thành công ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại chưa được đón nhận nhiều. Hiện tại, xu hướng thịnh hành nhất là làm mới các nội dung cũ, sáng tạo thêm các hình thức đẹp, bắt mắt như sách tranh 3D, sách chiếu bóng… Hấp dẫn các em đọc sách bằng mẫu mã, hình thức đẹp, lạ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ 4 xu hướng lớn ông quan sát được ở Việt Nam hiện nay.
Xu hướng đầu tiên là các sáng tác cho thiếu nhi thành công thường là của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh.
Thứ hai là xu hướng làm mới tác phẩm cũ có giá trị, tác phẩm bán chạy, trong đó có cả làm mới, kể lại truyện cổ tích.
Văn học kỳ ảo là một trận địa khá trống trong nước. Tác phẩm thành công hiếm hoi là Chuyện xứ Lang Biang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Chúng tôi không biết phải đầu tư thế nào cho đúng, nhưng nhận thấy đây vẫn là một xu hướng, một nhu cầu thật sự, bởi vì văn kỳ ảo của nước ngoài vẫn đứng được trên thị trường: chúng tôi vẫn bán tốt những bộ như Harry Potter, Charlie Bone… Tuy nhiên trong nước lại thiếu đi những tác phẩm đứng cạnh được với văn học nước ngoài như vậy”, ông Nam phát biểu.
Xu hướng thứ tư, theo ông Nguyễn Thành Nam, là thơ đồng dao, ca dao có minh họa đẹp, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Việt. Ông lấy ví dụ 4 tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Thụy Anh được độc giả đón nhận khá nhiệt tình.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết thêm lứa tác giả sáng tác văn học thiếu nhi sung sức nhất vẫn là 7X-9X, lứa tác giả trẻ mặc dù có nhiều ý tưởng phá cách nhưng phong cách sáng tác lại chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi phương Tây nên độ tiếp cận với công chúng Việt Nam chưa cao.
“Sách văn học thiếu nhi trong nước hiện nay gặp nhiều khó khăn”, bà chia sẻ. Dù đã có những giải thưởng chuyên môn động viên tác giả và nhà xuất bản nhưng sách thiếu nhi Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh cao từ sách dịch nước ngoài và các loại hình giải trí khác nên doanh thu chưa được cao.
Bà nhận xét văn học thiếu nhi Việt Nam thời gian gần đây có phần thưa thớt hơn so với giai đoạn trước. Các chủ đề thời sự như LGBT, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường cũng dần xuất hiện, nhưng chỉ ở dạng sách tranh, sách kiến thức chứ chưa xuất hiện trong văn học.
Theo một khảo sát do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện trong hội sách thiếu nhi, trẻ em ngày nay không thích những tác phẩm mang tính giáo điều, muốn đọc văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng các tác giả vẫn chưa mạnh dạn dấn thân vào các đề tài này.
Lắng nghe tiếng nói của trẻ, các đơn vị đã và đang tìm cách khuyến khích các cây viết trẻ dấn thân, khai thác các đề tài mới hơn, phù hợp thị hiếu. Con đường phát triển văn học thiếu nhi còn nhiều chông gai, nhưng các nhà xuất bản vẫn sẽ kiên trì vì đây là một mảng sách quan trọng với thị trường và với nền văn hóa.
MINH HÙNG
Nguồn: ZING/ vn